cart.general.title

Cước vận tải tiếp đà giảm, vận tải biển đối mặt nhiều khó khăn

 Giá cước vận tải biển tiếp tục xuống thấp, hãng tàu chủ yếu thu phụ phí để bù đắp các chi phí vận hành.

 Cước lao dốc, chủ tàu phải dùng phụ phí để bù đắp chi phí

Dữ liệu mới nhất của chuyên trang dữ liệu Drewry, chỉ số giá cước vận chuyển container thế giới (WCI) hiện đã giảm tới 77,5% so với cùng thời điểm của năm 2022.

Hiện nay, chỉ số WCI mới nhất là 1.536,86 USD/container 40 feet, thấp hơn 85% so với mức đỉnh 10.377 USD đạt được vào tháng 9/2021 và thấp hơn 43% so với mức trung bình 10 năm là 2.685 USD. Tuy nhiên, vẫn cao hơn 8% so với mức trung bình năm 2019 (trước đại dịch) là 1.420 USD.

Hiện nay, nhiều tuyến vận tải thậm chí âm cước, hãng tàu chủ yếu thu phụ phí (Ảnh minh họa).

 Một doanh nghiệp vận tải biển cho biết, giá cước vận tải biển container Bắc - Nam hiện nay gần chỉ khoảng 100.000 - 200.000 đồng/container 20 feet. “Các phụ phí gần như chỉ để bù đắp chi phí nâng, hạ container”, doanh nghiệp này nói và cho biết với vận tải nội địa, mặt hàng chủ đạo như các vật liệu xây dựng thời gian qua giảm mạnh, gây nhiều ảnh hưởng tới giá cước vận tải.

Với các tuyến vận tải biển quốc tế, theo sàn giao dịch Phaata, tuyến vận tải từ TP.HCM -Singapore hiện có giá khoảng 1-1,5 triệu đồng/container 20 feet, thậm chí có lúc chỉ hơn 200.000 đồng. Đối với container 40 feet, giá cước vận chuyển mỗi container tuyến TP.HCM - Singapore khoảng 2-2,6 triệu đồng. Trong khi thời điểm giữa tháng 11/2022, mức cước này khoảng 9-11 triệu đồng/container 40 feet và khoảng 2-3 triệu đồng/container 20 feet.

Đáng chú ý, có tuyến vận tải biển từ TP.HCM sang cảng biển của Trung Quốc thậm chí giá cước đã xuống mức âm. Hãng tàu chủ yếu thu phụ phí để bù đắp chi phí.

Thị trường chỉ có thể khởi sắc từ 2025

Theo Hiệp hội Chủ tàu VN, từ nay tới cuối 2023, khi tình hình tài chính toàn cầu chưa có dấu hiệu phục hồi, lãi suất tiền gửi vẫn tiếp tục xu hướng giữ ở mức cao, thị trường vận tải container chưa thể hồi phục nhanh.

Trong tương lai gần, sức mua tại các địa bàn lớn ở Bắc Mỹ và châu Âu tiếp tục giảm mạnh bởi lạm phát, kinh tế yếu, bất ổn về an ninh địa chính trị… tại một số khu vực. Trong khi đó, hàng tồn kho còn nhiều nên các nhà nhập khẩu chưa có nhu cầu lớn bổ sung từ các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, hoạt động sản xuất của Trung Quốc cũng chậm lại thời gian qua.

“Sức mua yếu khó sớm cải thiện nên việc kỳ vọng thị trường vận chuyển sôi động trở lại không thể tính bằng tháng”, đại diện Hiệp hội Chủ tàu VN nhận định và cho rằng tại Việt Nam, thời gian phục hồi có thể là nửa năm hoặc hết năm nay, khi hàng tồn kho cao ở Âu, Mỹ cần ít nhất hai quý để giải phóng. Do đó, nhu cầu có thể sẽ phục hồi từ nửa cuối năm 2023 để chuẩn bị cho mùa mua sắm cao điểm cuối năm.

Đồng thời, dự báo sang năm 2024, kinh tế thế giới được có sự phục hồi và tăng trưởng tốt hơn 2023, nhưng do nguồn cung công suất vận tải container tăng mạnh nên giá cước khả năng tiếp tục giảm. Thị trường vận tải container có thể phục hồi và khởi sắc hơn vào 2025 khi giá cước ổn định trở lại và cung cầu trên thị trường cân bằng hơn.

Hiệp hội khuyến cáo ngoài các tuyến chính có khối lượng hàng lớn và doanh số cao như Bắc Mỹ và châu Âu, các công ty vận tải biển cần chủ động tìm kiếm mở rộng các thị trường ở Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và khu vực Đông Nam Á. Australia và Trung Đông cũng là những thị trường tiềm năng hấp dẫn cho việc mở rộng và phát triển.

Cùng đó, cần thiết chăm sóc khách hàng, tiếp thị trực tuyến nhiều hơn và phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ logistics.

Danh mục tin tức

Từ khóa

Messenger Zalo Skype Wechat Linkedin Top